Thursday, March 28, 2024

Huy Cung “Bóc phốt” bố mẹ ngày càng sống ảo

“Sống ảo” không còn là cụm từ xa lạ với giới trẻ nhưng lại đặc biệt mới mẻ với các bậc phụ huynh – thế hệ lần đầu tiếp xúc với mạng xã hội. Cầm smartphone trong tay, các cụ không chỉ tha hồ tận hưởng thế giới giải trí đa dạng, hấp dẫn mà còn được thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, cập nhật thông tin mỗi ngày, vô tình dẫn đến những tình khóc dở khóc dở cười cho con cái.

Huy Cung – chàng blogger “bá đạo” vừa đăng tải trên trang cá nhân của mình đoạn clip “Ba mẹ chúng ta ngày càng sống ảo” nhằm cảnh báo giới trẻ trước nguy cơ “bão newfeed”. Video clip là lời bộc bạch đầy hài hước từ chính Huy Cung ngay sau khi phát hiện bố mẹ ngày càng sống ảo, thu hút nhiều bình luận trái chiều từ cư dân mạng.

Anh chia sẻ thẳng: “Chỉ là bố mẹ không có cơ hội để sống ảo thôi, chứ một khi mà sống ảo thì chỉ có điên đảo mạng xã hội”. Này thì ăn cũng lên mạng, chơi cũng lên mạng, nửa đêm cũng không ngủ vì những clip hài nhảm trên mạng. Hay những lúc trớ trêu gọi chục cuộc điện thoại chỉ để thắc mắc: “Sao cái status của mẹ đăng hoài không lên”…khiến con “khô hạn lời”.

Khổ tâm nhất vẫn là khi trang cá nhân của bạn luôn bị theo dõi 24/24. Online là bị gọi, đăng status thất tình cũng bị gọi, check-in đi ăn với bạn bè cũng bị gọi, 12h khuya online luyện phim cũng bị gọi nốt. Kết quả là “nơi riêng tư” để bạn sống thật và xả tất cả những uất ức, căm hờn trong cuộc sống giờ bỗng trở thành “công cụ” để bố mẹ kiểm soát bạn.

anh_thump.jpg

Sau gần 2 ngày đăng tải, vlog “Ba mẹ chúng ta ngày càng sống ảo” của Huy Cung đã thu hút hơn 1,9 triệu lượt xem, 140.000 like (thích) cùng hàng nghìn chia sẻ, bình luận từ dân mạng. Thành viên Thùy Trang viết: “Mẹ em selfie check-in còn nhiều hơn con gái. Bất cứ cái gì xung quanh nhà cửa cũng có thể làm status câu like của mẹ. Nhưng quan trọng là trang của mẹ còn nhiều like hơn của em. Thế mới buồn chứ!”

anh_huy_cung.jpg

Nguyễn Ngọc Oanh đồng tình: “Giống bố tớ lúc chưa chơi Facebook, Zalo thì suốt ngày chửi tớ là dán mắt vào điện thoại. Nhưng giờ bố tớ ăn điện thoại, ngủ điện thoại. Suốt ngày xem mấy cái clip linh tinh xong lại giáo dục tớ, kể cho tớ, các thứ các thứ nhiều lúc tớ vẫn nhắc lại câu bố thường chửi tớ “Bố cứ suốt ngày điện thoại lại hỏng mắt bây giờ. Bố cũng là thánh soi wall nên mẹ tớ đã tự động cầm máy chặn bố luôn”.

Song cũng có nhiều thành viên đưa ra các ý kiến trái chiều. Theo Mỹ Huyền, bố mẹ có thương, có quan tâm con cái thì mới gọi nhiều như vậy.

“Xem đến cuối rơi nước mắt luôn. Bố mẹ mình chính là như vậy. Chỉ là con cái đi học xa muốn gọi điện nhìn mặt con cái xem con ăn uống học tập thế nào. Từ ngày skype không gọi được là ngày nào Zalo tới tấp hỏi thăm, lâu lâu còn video call để nhìn mặt con xong mới an tâm nữa”.

anh_vlog.jpg

Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi? Tự bao giờ mà bố mẹ chúng ta tuy lớn tuổi, mắt yếu nhưng vẫn phải cặm cụi, mò mẫm lên mạng không? Những thứ công nghệ xa xỉ đã từng bị bố mẹ lên án giờ phải khiến họ lặng lẽ học cách sử dụng?

Phải chăng là vì bạn…?

Con cái và bố mẹ đã yêu thương và gần gũi nhau biết dường nào cho đến khi bạn dần lớn lên, hình thành cái tôi và bắt đầu cuộc sống xa nhà tự lập. Khi ấy, một tin nhắn, một cuộc điện thoại cũng trở nên đặc biệt bởi nó chứa đựng cả nỗi nhớ, sự quan tâm và tình yêu của bố mẹ dành cho con cái. Việc họ bất chấp vượt ra mọi rào cản của công nghệ và tuổi tác cũng chỉ để được gần con cái hơn mà thôi. Vì dẫu con lớn thế nào, đi nơi đâu cũng mãi là con của bố mẹ.

Nếu hiểu được lòng bố mẹ, hãy nhấc máy lên và gọi cho họ đi!”