Câu Chuyện Cuộc Sống: Đồng hành cùng sự phát triển của con trẻ
Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống như kiểm soát cơn nóng giận với con, đồng hành cùng sự phát triển của con trẻ, cũng như giảm bớt sự nghi ngờ để được sống hạnh phúc hơn
Kiểm soát cơn nóng giận với con
Trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi với công việc, chị Thu Minh (TP.HCM) bắt gặp con liên tục sử dụng điện thoại chơi game, xem phim trong giờ tự học buổi tối, không làm các bài tập về nhà. Trong một khoảnh khắc, chị Thu Minh cảm thấy cơn giận dữ trong lòng bắt đầu dâng lên nhưng khi kìm chế cơn giận dữ lại, chị nhẹ nhàng hỏi con những việc này, chị thấy con lo lắng và nhận ra cái sai của mình. Lúc này, thay vì la mắng, chị ngồi lại bên cạnh giúp con sửa lại những lỗi sai đó, giúp con làm bài tập và cảm thấy gắn kết với con hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Trường ĐH KHXH & NV) cho biết: “Con cái khi bị mắng sẽ nghĩ rằng bản thân dở tệ, mất tự tin vào bản thân, sợ ba mẹ, không dám gần gũi, tự tạo ra thế giới riêng với những bí mật riêng của mình, không cho phép ba mẹ bước vào và con cảm thấy không an toàn khi chia sẻ cùng bố mẹ”.
Nữ thạc sĩ khuyên phụ huynh mỗi khi cơn giận ùa về, cần hít thở sâu, không nói gì, không làm gì vì khi nóng giận rất dễ gây ra tổn thương với con. Nhớ lại khi tuổi thơ cũng mắc sai lầm, cũng sợ la mắng, đòn roi, vậy có nên làm cho con những điều mà tuổi thơ của mình không muốn hay không. Tiếp nữa cần phân biệt những vấn đề riêng của mình như áp lực công việc, cuộc sống không liên quan đến con. Ngoài ra, cha mẹ cần nói chuyện, tâm sự với con để hiểu những mong muốn của con, từ đó xây dựng môi trường gia đình hạnh phúc.
Đồng hành cùng sự phát triển của con trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có nhu cầu khám phá xung quanh, đó là cách để trẻ học hỏi và tiếp thu kiến thức mới, kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ, tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng để con phát triển như vậy, điều đó có thể khiến trẻ thiếu hụt một số kỹ năng khi không được tự do khám phá, tự do phát triển, nhất là khi cha mẹ không có sự đồng hành cùng con. Khi trẻ có những sở thích hứng thú, nếu đi ngược lại với suy nghĩ của cha mẹ thì cha mẹ thường có xu hướng cấm cản, thậm chí có nhiều người còn cho rằng, một đứa trẻ ngoan là một đứa trẻ ngồi yên cho người lớn làm việc.
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Một đứa trẻ có đời sống tinh thần phong phú, được trải nghiệm đa dạng sẽ dễ dàng vượt qua các căng thẳng, sống vui vẻ, tích cực, chủ động hơn trong các mối quan hệ xã hội của mình. Khi trẻ đứng trước những tình huống khác nhau, bản năng của trẻ sẽ tự suy luận, phân tích và đưa ra cách giải quyết vấn đề khác nhau. Ba mẹ chỉ cần đóng đúng vai trò đồng hành cùng với trẻ, chuẩn bị giúp trẻ về mặt sức khỏe, kiến thức, trải nghiệm… không những tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn làm tăng mối liên kết giữa cha mẹ và con cái nhiều hơn”.
Nghi ngờ – Rào cản của hạnh phúc
Chị D.T.K (TP.HCM) tâm sự, chị kết thúc mối tình 7 năm vì người yêu lừa dối, đó là lý do cho đến hiện tại chị không thể mở lòng để tin tưởng hay tiếp nhận bất kỳ ai, trong lòng chị luôn nảy ra hàng trăm sự tiêu cực và nghi ngờ khiến chị cảm thấy mệt mỏi.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy – Chuyên gia tâm lý cho biết: “Trong mỗi hoàn cảnh, mỗi con người có những lý do sâu xa riêng dẫn đến trạng thái nghi ngờ. Bản năng con người là muốn bảo vệ bản thân, muốn được an toàn về thân thể, cảm xúc, vật chất… Nếu nghi ngờ thái quá, nhìn nhận chủ quan sẽ khiến bản thân sa vào hành động tiêu cực, khi đó các mối quan hệ càng dễ đổ vỡ, rạn nứt”.
Nghi ngờ là một trạng thái tâm lý, một tổn thương trong quá khứ khi tiếp xúc với quá nhiều vấn đề tiêu cực. Vợ nghi ngờ chồng ngoại tình, cha mẹ nghi ngờ con làm việc xấu, hoặc thiếu năng lực rồi chỉ trích, chê bai, phán xét, coi thường khiến con bị tổn thương. Một cuộc sống thiếu niềm tin là rào cản khiến chúng ta khó có được sự hạnh phúc. Sự nghi ngờ dung dưỡng cho những thói xấu, hay so sánh và thiếu tôn trọng người khác. Sống trong nghi ngờ lâu dài khiến ta trở thành người thiếu tự tin, làm gì cũng nghĩ đến chiều hướng tiêu cực mà không nghĩ rằng mình xứng đáng với điều tốt đẹp. Điều đó vô tình khiến chúng ta đánh mất những cơ hội phát triển trong cuộc sống lẫn công việc.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.