Thursday, March 28, 2024

Tuổi trẻ qua câu chuyện những cánh én đầu tiên

Lịch sử dường như là một đề tài vốn dĩ rất khô khan để thế hệ trẻ có thể cảm nhận được hết chiều sâu cũng như những khía cạnh thuộc về quá khứ. Đã có rất nhiều những câu chuyện, rất nhiều những tư liệu và có thể nói rằng đề tài lịch sử đã tốn rất nhiều giấy mực để lưu lại một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam

Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Người trẻ bây giờ có hiểu hết lịch sử không? Người trẻ bây giờ sẽ tiếp cận lịch sử theo cách nào và nhìn nhận như thế nào? Những năm tháng hào hùng ấy của dân tộc, liệu có ai còn nhớ? Có ai còn tưởng niệm và tuổi trẻ liệu có quan tâm khi mà mọi ký ức đều xếp dày trên những trang giấy?

Đứng trước những nỗi bận tâm đó, Đạo Diễn Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân đã thành lập xưởng phim Én Bạc với khát vọng: tái hiện lại những câu chuyện lịch sử, tái hiện lại những trận chiến oanh liệt của cha ông qua những thước phim 3D. Và đề tài đầu tiên được khai thác đó chính là trận chiến trên Hàm Rồng ( Thanh Hoá) ngày 4/4/1965 giữa lực lượng không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng không quân Hải quân Mỹ

Dự án phim “Những cánh én đầu tiên” của xưởng phim Én Bạc đã ra mắt công chúng vào ngày 26/4/2019 tại Đà Nẵng và ngày 15/5/2019 tại Hà Nội sau gần 6 năm ấp ủ và thực hiện.

“Những cánh én đầu tiên” tái hiện những ký ức hào hùng của dân tộc bằng những cảm xúc chân thật đã chạm đến  trái tim người xem…mang lại những dấu ấn sâu sắc. Điều đặc biệt, những thước phim hấp dẫn, chân thực về cốt truyện, sự logic, chặt chẽ về mặt nội dung cũng như sự độc đáo trong cách thức thể hiện với sự kết hợp giữa phim tài liệu và minh hoạ điện ảnh lại được thực hiện bởi một đội ngũ không biết gì về 3D. Họ đi từ con số 0, đi từ những bài học đầu tiên trong công nghệ làm phim 3D.

Để tiếp cận nội dung, đội ngũ Én Bạc đã phải tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử của không quân Hải quân Mỹ bởi sự không đồng nhất về các thông tin dữ liệu là yếu tố không thể tránh khỏi. Nhưng không chỉ có tư liệu trên những trang sách, đội ngũ làm phim phải vào Nam ra Bắc, gặp gỡ và trò chuyện với chính những người trong cuộc chiến để có thể lắng nghe, có thể thấu hiểu được những câu chuyện của quá khứ.

Nhân sự là yếu tố cốt lõi để biến những khát vọng thành hiện thực, nhưng Én Bạc cũng đã gặp không ít khó khăn đối với dự án. Đã không ít người ra đi, đã không ít người muốn bỏ cuộc, có lúc tưởng chừng như mọi thứ chấm dứt bởi lực lượng đội ngũ cứ liên tục đổi thay.

Dù đã được đầu tư về thiết bị máy móc nhưng thật khó để có thể đủ đầy như một hãng phim chuyên nghiệp. Diễn viên chính trong phim lại chính là chuyên viên kỹ thuật, không có kinh nghiệm diễn xuất, không được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào. Và trong mỗi cảnh quay, họ điều tự xem lại, tự điều chỉnh mình để có thể truyền tải được nhân vật theo đúng yêu cầu kịch bản.

Và phông xanh mà Én Bạc sử dụng không phải là phông xanh ở phim trường, thay vào đó là một tấm vải màu xanh  được căng rộng giữa sân bóng đá. Để đảm bảo được sự đồng nhất về ánh sáng, tất cả các cảnh đều phải quay vào thời điểm ánh nắng nhiều nhất trong ngày. Những đạo cụ phục vụ những cảnh quay từ khoang lái lại chính là thùng carton và chiếc ghế gỗ với cần lái là một khúc cây..vv..v Và đạo diễn Lê Nguyên Bảo cất công tìm kiếm, vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam những bộ quân phục, những chiếc mũ, những đôi giày..vv.. của không quân Mỹ để có thể tái hiện chân thực nhất cho những nhân vật trong phim.

Đạo diễn Lê Nguyên Bảo đã từng chia sẻ, cảm hứng về dự án phim chiến tranh không quân Việt Nam bắt nguồn từ lòng tự tôn dân tộc. Khi còn là du học sinh tại Mỹ, anh đã được xem những bộ phim tư liệu về những trận chiến trên không của không quân Mỹ được tái hiện bằng chất liệu 3D. Trong những thước phim đó anh chỉ thấy được hình ảnh máy bay Việt Nam bị địch bắn rơi như thế nào. Lòng tự tôn dân tộc được khơi dậy, cùng với đó là đam mê tìm hiểu về lịch sử, công nghệ, trang bị máy bay…

Khi những thước phim đầu tiên được công chiếu, những tràng pháo tay, những giọt nước mắt đã khiến những người làm phim không dám tin vào những gì đang diễn ra.

Nếu như những người làm phim đã từng mơ thấy máy bay trong cả giấc ngủ khi đi tìm những tư liệu lịch sử thì những đón nhận ngoài sức tưởng tượng từ công chúng lại là một giấc mơ nữa mà Én Bạc luôn muốn nhìn thấy.

Phim lịch sử không chỉ dành cho người trẻ, mà dành cho cả những thế hệ trước. Những khoảnh khắc được tái hiện trên phim khiến người trẻ không khỏi bồi hồi xúc động, những người cùng thời dường như được sống lại những năm tháng đầy oanh liệt của dân tộc….Và Én Bạc đã nhận được rất nhiều cảm nhận, rất nhiều sẻ chia và nguyện vọng được công chiếu rộng rãi trên cả nước.