Lan Ngọc, Diễm My quậy tưng bừng trong MV mới của Jun Phạm
Sau khi Đông Nhi phát hành MV nhạc phim chính thức “Cô Ba Sài Gòn” trong hình tượng truyền nhân thứ 20 của nhà may Thanh Nữ, với hàng loạt những hình ảnh màu sắc đúng tinh thần sôi động của ca khúc thì đến lượt Jun Phạm ra mắt MV cho ca khúc tiếp theo của bộ phim.
“Tân Thời” là một sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng, “cha đẻ” ca khúc “Số Nhọ” được sử dụng làm nhạc phim Hollywood “Sinh nhật chết chóc” trong thời gian qua và bản “hit” “Đường về quê” của Jun Phạm trong phim Tết “Cô Thắm về làng”. Tuy “Tân Thời” không xuất hiện trong phần phim chính, chỉ nằm ở credit nhưng lại mang âm hưởng retro cùng nội dung hoài cổ rất đúng tinh thần của bộ phim.
Nếu như hành trình của Như Ý (Lan Ngọc) trong phim là từ năm 1969 đến năm 2017, bỡ ngỡ với thế giới hiện đại thì ở “Tân Thời”, Diễm My 9x trong vai bạn gái của Jun Phạm sẽ từ 2017 quay về quá khứ và chứng kiến những nhịp sống cũ của năm 1969.
Đúng với nội dung bài hát là phê phán sự si mê công nghệ của người trẻ, khiến những người ở gần nhau nhưng thực chất lại xa nhau, MV chọn câu chuyện của những chiếc điện thoại di động.
Chọn bối cảnh câu chuyện tại một quán lẩu có tên Tân Thời, vì Diễm My cứ cắm mặt vào chiếc điện thoại để “sống ảo” trong lúc cả hai hẹn họ nên Jun Phạm tức giận giật lấy, khiến Diễm My bỏ đi và vô tình trở về năm 1969. Ở đây, cô đối diện với những thói quen của cuộc sống ngày xưa, khi mọi người còn tề tựu bên nhau vui chơi, hội họp, hay để xem một chương trình truyền hình chứ không hề có bóng dáng của công nghệ.
Ý tưởng này không chỉ hợp với tinh thần gìn giữ truyền thống của “Cô Ba Sài Gòn” mà còn đánh trúng “căn bệnh” của thời đại, nhất là những người trẻ. Vì công nghệ, vì những thú vui giải trí “tân thời” mà chúng ta vô tình lãng quên những giá trị truyền thống ở bên cạnh, tự đẩy những người sát bên mình ra xa bằng thứ công cụ lí ra có tác dụng kết nối nhau.
Đặc biệt, tình tiết Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) tát Như Ý (Lan Ngọc) rất kịch tính trong phim cũng xuất hiện ở MV, khiến cho “Tân Thời” như một điểm kết nối, “giao duyên“ thú vị giữa nhạc và phim, tương tự như “Cô Ba Sài Gòn” của Đông Nhi với nhân vật truyền nhân đời thứ 20. Thậm chí, Đông Nhi cũng xuất hiện trong “Tân Thời”, khiến cho câu chuyện của các nhân vật càng được nhân rộng.
Ngoài Diễm My 9x, Đông Nhi thì “Tân Thời” còn có sự góp mặt của loạt diễn viên hài nổi tiếng như Ngọc Tưởng, Hải Triều, Puka, Tiến Công… và họ hoàn toàn không nhận cát-xê dù phải quay liên tục suốt 48 tiếng đồng hồ.
Lần đầu tiên cộng tác với VAA, đạo diễn Nhu Đặng (người “cầm trịch” MV “Thật bất ngờ” của Trúc Nhân, “Vợ người ta” của Phan Mạnh Quỳnh) đã chứng tỏ được thế mạnh trong ý tưởng, công sức lẫn sự tỉ mỉ. “Tân Thời” được quay bằng máy móc hiện đại để đảm bảo sự đồng bộ trong chất lượng, màu sắc với phim “Cô Ba Sài Gòn”. Thành thử, dù MV được quay sau nhưng khi kết nối với những đoạn phim được quay từ trước, khán giả vẫn cảm thấy được kết nối và sự uyển chuyện, mượt mà của câu chuyện lẫn hình ảnh.