Điểm danh những nét văn hóa Anh Quốc đặc trưng trong “Mary Poppins Trở Lại”
Không chỉ có những cuộc phiêu lưu đầy màu sắc và những phần trình diễn âm nhạc ấn tượng, Mary Poppins còn đem cả một Anh Quốc cổ điển những năm 1930 đến với khán giả toàn thế giới.
Vừa qua, Mary Poppins Trở Lại, bom tấn nhạc kịch mới nhất từ nhà Disney, đã được Viện Phim và Ban Phê bình Điện ảnh Mỹ lựa chọn là 1 trong 10 bộ phim hay nhất năm 2018. Trong lần thứ hai trở lại màn ảnh rộng của cô Poppins, thành phố London những năm 1930 và những nét văn hoá đặc trưng của Anh Quốc đã được đạo diễn Rob Marshall khéo léo lồng ghép vào bộ phim. Cùng điểm qua những yếu tố đậm chất xứ sở sương mù đã được ông truyền tải lên màn ảnh.
1. Tháp đồng hồ Big Ben và những nơi phải đến tại London
Là niềm tự hào của người dân London và là biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Anh, Big Ben là một trong những tháp đồng hồ chính xác nhất và có quả chuông lớn nhất trên thế giới. Trong thực tế, Big Ben chính xác đến từng giây và được điều chỉnh hằng năm bằng cách thêm hoặc bớt từng đồng xu Anh cũ. Thế nhưng trong Mary Poppins Trở Lại, tháp đồng hồ lại được miêu tả là luôn điểm giờ sớm 10 phút, cho đến khi được cô Poppins “sửa” lại ở cuối bộ phim một cách đầy kịch tính.
Ngoài Tháp Big Ben, Mary Poppins Trở Lại còn đưa khán giả ghé thăm những địa điểm kinh điển khác của London như Nhà thờ Thánh Paul, Cung điện Buckingham, Phố Vua Charles, trung tâm thương mại Royal Exchange…
2. Những người thợ thắp đèn London
Trở lại Phố Cây Anh Đào, Mary Poppins đã gặp lại anh chàng Jack, một người thợ thắp đèn tại thành phố London. Trong thời đại công nghệ tự động ngày nay, thật khó tưởng tượng London đã từng có hàng ngàn nhân công được thuê để điều khiển bằng tay từng ngọn đèn một vào những năm 1930. Hình ảnh những người thợ thắp đèn di chuyển bằng xe đạp, mang theo chiếc thang gỗ để trèo lên những cột đèn đã dần trở thành một hình ảnh đậm nét văn hóa Anh. Do đó, tuy hệ thống đèn đường ở London ngày nay đã được tự động hóa và hoạt động bằng điện thì vẫn còn 5 người thợ thắp đèn cuối cùng vẫn còn tiếp tục làm công việc thầm lặng này.Trong Mary Poppins Trở Lại, hình ảnh chàng Jack thắp đèn luôn lạc quan và nhiệt tình tham gia vào chuyến phiêu lưu của những đứa trẻ nhà Banks còn mang đến thông điệp đầy ý nghĩa về những người thắp sáng London vào thời kì tăm tối nhất.
3. Bối cảnh London giai đoạn Đại Suy Thoái
Lấy bối cảnh 25 năm kể từ phần phim đầu tiên, bộ phim đưa người xem trở về những năm 1930, khi kinh tế nước Anh bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc Đại Suy Thoái toàn thế giới trong khi vẫn chưa thể hồi phục sau Chiến tranh Thế giới lần I. Xuyên suốt gần hết bộ phim, thành phố London đã được đạo diễn hình ảnh Dion Beebe, người từng nhận giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, tráng một màu xanh ảm đạm, lạnh lẽo và u tối để khắc họa một cách rõ nét về cuộc sống khó khăn của con người thời kỳ đó. Và những thành viên nhà Banks, không là ngoại lệ, cũng bị Đại khủng hoảng đẩy vào tình thế phải mất ngôi nhà trên Phố Cây Anh Đào.
“Đặc vụ Kingsman” Colin Firth sẽ hóa thân thành một ông chủ nhà băng mưu mô với mọi thủ đoạn để tịch biên căn nhà của gia đình Banks
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 1920 đến 1930 khiến nước Anh suy sụp
4. Thời trang đậm chất Anh Quốc
Nhà thiết kế lừng danh từng nhận 3 tượng vàng Oscars Sandy Powell đã sản xuất tổng cộng 448 bộ trang phục cho Mary Poppins Trở Lại. Trộn lẫn phong cách cổ điển thời vua Edward và nét hiện đại, tinh tế của thời trang những năm 1930, những bộ trang phục trong phim vừa sở hữu sự cổ điển, quý phái của giới trung lưu Anh Quốc, đồng thời vẫn rất thực tiễn, gần gũi của London thời Đại khủng hoảng.
Đối với cô Mary Poppins, bộ trang phục khi cô lần đầu xuất hiện từ bầu trời được chăm chút kỹ lưỡng nhất: áo tay dài trắng chấm bi, nơ đỏ, váy len, áo khoác xanh cùng nón và găng tay đỏ. Duyên dáng, thanh lịch nhưng không hề xa hoa, bộ cánh cách tân của cô Poppins vẫn giữ thần thái của phần phim gốc.
5. Văn hoá thuê người bảo mẫu
Trong những gia đình khá giả tại Anh, các đứa trẻ thường được chăm sóc bởi những cô bảo mẫu khi bố mẹ chúng đi làm. Sống ngay tại nhà của gia đình, những cô bảo mẫu có trách nhiệm về mọi mặt: từ việc ăn uống, đi lại đến giám sát bài tập về nhà của trẻ.Với nếp sống đó, không khó hiểu khi cô bảo mẫu đầy phép thuật Mary Poppins lại trở thành hình mẫu đáng mơ ước của rất nhiều các gia đình trên toàn cầu khi có thể dễ dàng “hớp hồn” những đứa trẻ nghịch ngợm với những chuyến phiêu lưu diệu kỳ và tình yêu Thương trong khi vẫn có thể dễ dàng xử lý mớ việc nhà không tên, nỗi ám ảnh của tất cả các bậc phụ huynh cho đến ngày nay.
Dựa trên tựa sách thiếu nhi cùng tên của nhà văn nữ P. L. Travers, Mary Poppins Trở Lại đã thu về hơn 174 triệu USD toàn cầu và nhận được vô số những lời tán thưởng tích cực từ giới phê bình cho màn trình diễn của Emily Blunt và phần âm nhạc, hình ảnh xuất sắc.
MARY POPPINS TRỞ LẠI – Bộ phim hiện đang khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 28.12