Friday, April 19, 2024

Những điểm khác biệt giữa Na Tra: Ma đồng giáng thế và Phong thần diễn nghĩa

Nói đến truyền thuyết về Na Tra vô cùng quen thuộc, phiên bản hoạt hình Na Tra: Ma đồng giáng thế không phải tác phẩm đầu tiên đưa hình tượng Na Tra lên màn ảnh rộng nhưng vẫn đạt thành công đáng kinh ngạc nhất là tại quê hương của mình. Doanh thu phòng vé kỷ lục và sự yêu mến của khán giả với Na Tra: Ma đồng giáng thế xuất phát từ những đổi mới táo bạo mà đạo diễn Sủi Cảo cùng ê kíp trẻ ‘dám nghĩ dám làm’ của mình đã thực hiện.

Cũng như nhiều phiên bản trước đó, kịch bản của Na Tra: Ma đồng giáng thế lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết dài 9 hồi Phong Thần Diễn Nghĩa, lấy bối cảnh thời Nhà Thương suy vong và nhà Chu thành lập. So với tiểu thuyết gốc, điểm khác biệt lớn nhất trong Na Tra: Ma đồng giáng thế là xuất thân của “quỷ nhi” Na Tra. Theo Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra vốn là linh châu chuyển thế, chính vì vậy Na Tra hoàn toàn là một nhân vật chính diện.

Hình tượng Na Tra trong “Na Tra Náo Hải”.

Nhưng Na Tra: Ma đồng giáng thế lại được mở đầu bằng câu chuyện Na Tra đầu thai từ một viên ma hoàn, sinh ra đã là ác ma. Thay đổi có thể nói là xoay chuyển hoàn toàn câu chuyện gốc đã đặt ra vấn đề chưa từng có trong các phiên bản trước: Một yêu nghiệt đầu thai từ ma hoàn sẽ làm thế nào để được người đời công nhận, hóa thân thành anh hùng?

Na Tra của Na Tra: Ma đồng giáng thế là dạng nhân vật phản anh hùng.

Không chỉ có xuất thân, những sự kiện xảy đến với Na Tra cũng có nhiều biến đổi. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa mô tả tiểu Na Tra khi tới Đông Hải chơi đã làm náo loạn nơi đây. Thái tử Ngao Bính cai quản Đông Hải không thể khoanh tay làm ngơ nên đã sai Dạ Xoa đến đối đầu với Na Tra. Chẳng ngờ Na Tra không những đánh chết Dạ Xoa mà còn rút gân Ngao Bính, khiến Tam thái tử của Đông Hải Long Vương thành kẻ tàn tật.

Long Vương tức giận liền kiện lên thiên đình khiến Na Tra phải chịu phạt. Sau này Na Tra lập đại công khi phò Chu Vũ Vương, giúp nhà Chu lên ngôi nên mọi lỗi lầm thời nhỏ đều bị lãng quên. Trong các tác phẩm chuyển thể sau này cũng đều có thiên hướng “tẩy trắng” hình tượng Na Tra. Ở phiên bản hoạt hình kinh điển Na Tra Náo Hải năm 1979, long tộc của Đông Hải Long Vương bị biến thành tuyến phản diện, gieo tang tóc cho dân chúng, Na Tra vì thế cũng hóa thành thiếu niên anh hùng cứu thế. Đến phiên bản Na Tra Truyền Kỳ năm 2003, Na Tra thời nhỏ cũng được miêu tả là anh hùng chính nghĩa.

Khác với Bảng Phong Thần, lần này Na Tra không còn rút gân Ngao Bính nữa

Na Tra: Ma đồng giáng thế lại không hề né tránh sai lầm thời nhỏ của Na Tra, thậm chí còn biến nó thành nét tính cách bẩm sinh của cậu. Vì sinh ra là yêu ma, Na Tra bị người đời ghét bỏ, từ đó sinh ra tính cách ngỗ nghịch, phá phách. Tạo hình của Na Tra cũng được lựa chọn xấu xí, khó gần để phù hợp với tính cách này. Thay đổi kể trên không những hợp lý mà còn tạo cho Na Tra chiều sâu nội tâm, không giản đơn và một chiều như các phiên bản trước. Na Tra: Ma đồng giáng thế đã gợi ra một mâu thuẫn rất mang tính thời đại, đó là vấn đề kỳ thị nhóm người khác biệt trong xã hội.

Na Tra đại diện cho những người bị xã hội kỳ thị vì khác biệt.

Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, có thể thấy tất cả các nhân vật yêu quái thành tinh đều được miêu tả là phản diện. Còn Na Tra: Ma đồng giáng thế lại chọn phát triển ý tưởng kỳ thị bất công bằng cách trao cho các nhân vật thuộc yêu tộc tính cách đa chiều hơn. Trong thế giới của Na Tra: Ma đồng giáng thế, loài yêu thú thường bị đối xử không công bằng nên mới ôm hận và nổi loạn. Ngay từ đầu phim, Nguyên Thủy Thiên Tôn sau khi giao nhiêm vụ cai quản viên linh châu chuyển thế cho Thái Ất Chân Nhân đã dặn dò nếu Chân Nhân hoàn thành trọng trách sẽ được phong thành Kim Tiên. Thế nhưng ngay thời khắc quan trọng, Thái Ất Chân Nhân lại mải mê uống rượu nên lơ là việc lớn. Xét về tư cách, ông hoàn toàn không xứng được trở thành Đại La Kim Tiên.

Mặt khác, một Thân Công Báo chuyên tâm tu hành nhưng chỉ vì xuất thân là báo thành tinh nên không được nhìn nhận, oán hận cũng từ đó mà ra. Nếu ngay từ đầu Nguyên Thủy Thiên Tôn đối đãi công bằng với chư thần thì đại loạn có lẽ đã không xảy ra.

Bên cạnh đó, long tộc ở Đông Hải từng trợ giúp thiên đình trấn áp biết bao loài quái thú dưới biển khơi cũng bị đối xử bất công. Cũng chính vì luôn bị coi là yêu quái nên long tộc mới phản lại thiên đình, hòng giành lại vị trí xứng đáng trong tam giới. Nguyện vọng duy nhất của long tộc là muốn Ngao Bính thái tử tu luyện thành tiên và giải cứu cả tộc khỏi kiếp phận bị coi thường.

Chi tiết này tượng trưng cho mong ước đổi đời của những nhóm người “thấp cổ bé họng” trong xã hội. Về nhân vật Ngao Bính, có thể coi đây là nhân vật đối trọng với Na Tra. Ngao Bính do linh châu chuyển thế, vốn là nhân vật chính diện. Nhưng vì mang trên vai trách nhiệm quá lớn do long tộc trao cho, đồng thời phải chịu sự kỳ thị của dân chúng tại quan Trần Đường nên hóa thành phản diện. Ngao Bính trong Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế sinh ra là người lương thiện, do hoàn cảnh xô đẩy nên thành kẻ ác, hoàn toàn khác với nguyên tác.

Ngao Bính cũng là nhân vật nhiều biến cố nội tâm không kém Na Tra.

Phá cách cuối cùng của Na Tra: Ma đồng giáng thế là ở nhân vật vợ chồng Lý Tịnh- cha mẹ của Na Tra. Trong mọi tác phẩm trước kia, mẹ Na Tra là Ân Thị luôn hiện lên trong hình tượng người phụ nữ yếu đuối. Nhưng trong Na Tra: Ma đồng giáng thế, Ân Thị lại được xây dựng với tính cách mạnh mẽ, đầy khí chất. Không những thế, bà còn gánh thêm sứ mệnh trừ yêu diệt quái, trở thành người mẹ vừa hiền từ vừa cứng rắn của “quỷ nhi” Na Tra.

Còn về Lý Tịnh, ở các phiên bản khác, cha của Na Tra thường không được lòng người xem bởi ông không hề thấu hiểu, không suy xét tình hình mà dùng bạo lực để giáo dục Na Tra. Tới khi Na Tra gây họa, Lý Tịnh lại đùng đùng nổi giận đổ lỗi cho con trai. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, sau khi Na Tra chết, Ân Thị lập miếu cho con trai mong con được hồi sinh. Lý Tịnh khi đó sợ Na Tra lại làm liên lụy đến gia tộc nên thậm chí còn đập bỏ ngôi miếu của chính con mình. Trong Na Tra Náo Hải, Lý Tịnh là người vì nghĩa diệt thân, đòi giết Na Tra chuộc tội. Có thể thấy, Lý Tịnh là hình tượng người cha quá mức cực đoan.

Lý Tịnh đòi giết con trong Na Tra Náo Hải.

Nhưng tới Na Tra: Ma đồng giáng thế, Lý Tịnh tuy vẫn nghiêm khắc nhưng đã cư xử hợp tình hợp lý hơn. Ông nói dối Na Tra cậu là linh châu chuyển thế và cổ vũ con cố gắng chứng tỏ bản thân trong mắt mọi người. Khi Na Tra bị hiểu lầm, Lý Tịnh là người đầu tiên nhìn rõ chân tướng, tìm cách giúp con trai được rửa oan. Thậm chí, ông còn dự định hy sinh thân mình để Na Tra được bình an.

Cha mẹ Na Tra có nhiều khác biệt so với Phong thần diễn nghĩa.

Cũng vì những chỉ bảo và hy sinh của cha mẹ, sau cùng Na Tra mới có thể vượt lên kỳ thị của người đời, xoay chuyển vận mệnh để hóa thành anh hùng đích thực.

Xét về kết cấu kịch bản của Na Tra: Ma đồng giáng thế vô cùng chặt chẽ, tâm lý nhân vật được xây dựng thuyết phục và giàu chiều sâu. Những thay đổi so với nguyên tác vốn đã hằn sâu trong tâm trí khán giả đã tạo cho tác phẩm hoạt hình này những giá trị mới gần gũi với cuộc sống hiện đại, đề cao tính nhân văn và công bằng trong xã hội.

Na Tra: Ma đồng giáng thế hiện đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc