Wednesday, April 24, 2024

Người xưa đã quên ngày xưa – Tác phẩm thứ 7 của Nhà văn Anh Khang

Người xưa đã quên ngày xưa là tựa sách thứ 7 của tác giả Anh Khang – cây bút trẻ được mệnh danh là “tác giả triệu bản” trong làng sách trẻ hiện nay. Tác phẩm mới lần này của Anh Khang được ra mắt vào đúng dịp Hội sách TP.HCM lần thứ X – 2018, đánh dấu lần thứ 3 cây bút này có sách góp mặt trong kỳ hội sách lớn nhất cả nước.

Khi Người xưa đã quên ngày xưa: Làm thế nào để vượt qua chông chênh? - Ảnh 1

Ở hai kỳ hội sách trước, các tựa sách của Anh Khang đều chiếm vị trí nhất nhì của bảng xếp hạng Sách bán chạy nhất toàn hội sách (cuốn Buồn làm sao buông đứng đầu bảng best-seller của Hội sách lần VIII – 2014, và cuốn Thương mấy cũng là người dưng về nhì bảng xếp hạng của Hội sách lần IX – 2016).

Lần này, bên cạnh 20.000 bản in đã được các nhà phân phối đặt hàng ngay từ trước đợt phát hành đầu tiên để chuẩn bị cho kỳ hội sách, Người xưa đã quên ngày xưa cũng đang gây xôn xao trong cộng đồng đọc sách ngay từ tựa đề quá đỗi buồn sầu và giàu chất thơ.

Có thể thấy, thế mạnh của tác giả Anh Khang chính là lối viết câu văn xuôi êm tai như thơ, và cách sử dụng lối viết biền ngẫu đối từ đối thanh chuẩn xác. Thế nên, cho dù trên thị trường sách trẻ có rất nhiều cây bút chọn cùng đề tài về nỗi buồn tuổi trẻ, hoặc viết bằng thể loại tản văn như Anh Khang, thì các tác phẩm của Khang vẫn luôn có một vị thế rất cao trên thị trường, và rất vững trong lòng công chúng yêu chữ.

Khi Người xưa đã quên ngày xưa: Làm thế nào để vượt qua chông chênh? - Ảnh 2

Thế mạnh ấy tiếp tục được vận dụng một cách khéo léo và bài bản hơn qua từng trang viết của Người xưa đã quên ngày xưa. Những đoạn văn biền ngẫu đối đáp tự thân như chính tiếng lòng của tác giả khi trải qua những phức cảm của một người sống bằng kỷ niệm, nhưng kỷ niệm lại không thể trường tồn bất biến để anh tựa vào tìm chút ủi an.

Những hình ảnh ước lệ được Anh Khang lồng vào nhẹ nhàng, hư hư ảo ảo như chính hình ảnh về người xưa – ngày xưa đã qua, để tái hiện lại một miền quá vãng, nơi mà anh nhận ra “dù từ bỏ hay mang theo, thì kỷ niệm luôn là thứ dẫu đã chôn sâu xuống đất, vẫn sẽ biết cách đâm chồi. Nên nếu đã dành cả thanh xuân để yêu một người, thì cũng hãy dành cho bản thân thanh thản mỗi khi nghĩ về người đó dù nhớ hay quên”.

Khi Người xưa đã quên ngày xưa: Làm thế nào để vượt qua chông chênh? - Ảnh 3

Người xưa đã quên ngày xưa dày 216 trang, gồm 2 chương: Chương Sau chia tay là những ngày rất dài mở đầu, và khép lại với chương Năm tháng rồi cũng lãng quên nhau. Mỗi phần sẽ có trên 20 tản văn ghi lại những đúc kết của tác giả về quãng thời gian bước qua chông chênh sau chia tay và học cách bình thản chấp nhận dù quên dù nhớ. Khi cả người xưa, lẫn ngày xưa, đều không thuộc về mình nữa rồi.

Khi Người xưa đã quên ngày xưa: Làm thế nào để vượt qua chông chênh? - Ảnh 4

Anh Khang viết: “Bạn sẽ bắt gặp đâu đó trong những trang viết này là “anh”, là “em”, thậm chí, là “cô ấy”, hay “anh ấy”. Bạn sẽ thấy chính bản thân tôi, và biết đâu, chính bản thân mình.

Tôi mong có thể nhờ những trang viết này rút ngắn lại đường xa cho những ai đang chông chênh trên đoạn đường quên – nhớ, để người cập bờ quên lãng bớt chòng chành lung lạc. Những dằn vặt của chuyện cũ đời mình, tôi xin tặng bạn làm hành trang, để lạc quan bước đến bến hạnh phúc”.