Friday, March 29, 2024

Mặc áo dài, đi chợ quê, tìm hiểu về hát xướng Nam bộ giữa lòng Sài Gòn

Chương trình được Amberstone Media kết hợp thực hiện với Cultural Community Discourse (CCD) – Đối thoại Văn hoá Cộng đồng. Đây là sự kiện đầu tiên của SLP SERIES – chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng thuộc Soul Live Project.

Một trong những điểm nhấn của chương trình đến từ phần bình phim và giải thích không thể nào dí dỏm hơn của “người chèo ghe” – Nhà nghiên cứu (NNC) Huỳnh Ngọc Trảng.

Các thiếu nữ Nam Bộ đi chợ quê

Với quyết tâm “cùng hợp lực nối mạch văn hoá xưa – nay”, NCC chia sẻ: “Cái gì đến lúc đi thì phải đi, đến lúc mất thì phải mất. Vấn đề là mình muốn có sự liên tục trong mạch phát triển văn hoá chứ thật ra, mình không phải là người bảo thủ, cũng không muốn ăn mày dĩ vãng. Bây giờ, nếu những cái mới đi nhanh quá bỏ lại những loại hình văn hoá có giá trị tinh thần với ông bà ngày xưa, thì ai là người chịu thiệt thòi? – Là người trẻ”.

Qua bộ phim tài liệu “Gia Định – Sài Gòn: Điệu hát, Câu hò ngày ấy” do chính tay mình biên kịch, ông đã giới thiệu lịch sử 400 năm hình thành và phát triển của Nam Bộ và các yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến xứ này. Vì yếu tố lịch sử – văn hóa, Nam Bộ có tính chất mở và thu nhận những gì đến với nó và có sự biến đổi các dạng thức văn hóa để đáp ứng nhu cầu của từng thời đại. Diễn xướng Nam bộ theo đó mà vô cùng đa dạng và phong phú với 3 nhóm: Trữ tình dân gian, tự sự dân gian và diễn xướng tổng hợp. NNC cũng chỉ ra khi nào thì ông bà ta sẽ hò, hát; cách phân biệt ai đang hò, đang ru, đang hát lý; đến những hình thức tự sự hấp dẫn như nói thơ, nói tuồng, cả những hình thức diễn xướng tổng hợp như sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú, v.v…

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Thú vị hơn là những phần giao lưu khán giả giữa chương trình. Khán giả đã nhiệt tình tham gia vào chương trình, họ thay nhau hát ru, hò, hát lý, hát đối đáp, thi nói thơ Vân Tiên… Những ca từ bình dị mà thân thương, quen thuộc như “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chày thức đủ vừa năm”cho đến “Rằng a í a ta dìa, lòng thương nhớ thương”, rồi lại “Sông quê nước chảy đôi bờ, để em chín dại mười khờ thương anh”… đã khơi lên những cảm xúc rất thật thà, mộc mạc, gần gũi đúng như cá tính của vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, chương trình còn chuẩn bị món đặc sản Nam Bộ, bánh bò nướng đường thốt nốt được bất ngờ đem ra phục vụ giữa chương trình, khiến khán giả khá thích thú.

Kỳ 1: Khảy Nhịp Tang Tình khá thành công trong việc tạo nên một trải nghiệm đậm chất Nam Bộ dân dã, chân phương, không chỉ bằng nội dung chương trình mà còn với những hoạt động bên lề diễn ra trước đó. Không khí buổi họp chợ quê được tái hiện giữa lòng thành phố, các cô, các dì đến từ “Hội quán các bà mẹ” bán những thức bánh và trái cây đặc trưng miền Nam, giỏ mây, áo dài,… Ngoài ra còn có khu vực chụp ảnh được bày biện chỉn chu với chiếc chõng tre, những phần trình diễn đàn tranh, đàn tỳ bà ngoài trời đã tạo cho người tham dự một trải nghiệm thú vị dẫn dắt mọi người xuôi dòng về phương Nam.

Có thể nói hành trình “Diễn xướng Nam Bộ” đã có một khởi đầu thuận lợi, với rất nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả đồng thời tạo nên một mở đầu đầy hứa hẹn cho những kỳ sau. Hy vọng với những bộ môn diễn xướng miền Nam lần lượt được giới thiệu chuyên sâu hơn cùng những phần trình diễn từ các nghệ sĩ ở những kỳ sau, “Diễn Xướng Nam Bộ” và Soul Live Project Complex sẽ trở thành một điểm hẹn văn hóa – nghệ thuật cuối tuần không thể bỏ lỡ tại TP.HCM.

  • Về CCD:

CCD là một dự án của Cội Việt nhằm kết nối các nhà nghiên cứu với công chúng để trình bày các công trình khảo cứu, bóc tách từng lớp văn hóa của một cộng đồng. Cụ thể hơn, chương trình muốn tìm hiểu các yếu tố tạo nên nhân dạng của cộng đồng, các chất liệu kiến tạo nên ký ức của cộng đồng, và những gì có thể xảy ra khi các cộng đồng giao thoa và tương tác với nhau.

Ra đời từ năm 2017, cho đến nay CCD đã tổ chức thành công 10 sự kiện, kết nối các vị khách mời là những nhà nghiên cứu đa ngành trong và ngoài nước về lịch sử, văn hoá, và nghệ thuật của Việt Nam và Đông Nam Á với cộng đồng những người quan tâm tìm hiểu về văn hoá. Các sự kiện có thể kể đến như: Sự phát triển song sinh của Sài Gòn – Chợ Lớn, Táo Quân –  Nhất gia chi chủ, Xây chầu Hát bội, Tấu khúc Tỳ bà, Cung xưa nếp cũ, Đàn bà nước Nam,…

  • Về diễn giả – Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng:

Đã đồng hành cùng CCD qua các kỳ như “Táo quân – Nhất gia chi chủ”, “Dung dăng dung dẻ”, “Cây cội nước nguồn”, “Một, chạp, giêng, hai”, lần này -nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trở lại CCD với vai trò là người chèo chiếc xuồng lịch sử 400 năm Nam bộ. Trên chuyến xuồng ngược dòng ấy, ông sẽ kể chuyện, sẽ hò vài câu, hát vài điệu cho quý khán giả hiểu hơn về đờn ca hát xướng xứ này.

Sinh năm 1952 tại Quảng Ngãi, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tác giả và đồng tác giả của hơn 70 công trình nghiên cứu, đầu sách, chiếm phần quan trọng trong số này là các sách về văn hóa, mỹ thuật và tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất Nam bộ. Cách viết của ông ít khi nào dừng lại ở một thực thể hay vấn đề riêng lẻ, mà là xâu chuỗi và mở rộng biên độ một cách tối đa, liên ngành, nhằm tìm kiếm sự so sánh để nhận ra nét tương đồng và dị biệt. Ông cũng là đồng tác giả của cuốn Diễn xướng dân gian Gia Định-Sài Gòn, một cuốn sách khảo cứu về nghệ thuật diễn xướng dân gian cổ truyền.

  • Về Soul Live Project Series (SLP Series) – “Your passport to the art”

SLP Series là sản phẩm mới nhất của Soul Live Project ra mắt vào năm 2018. Đây là chuỗi những sự kiện nghệ thuật cho cộng đồng, với đa dạng các loại hình nghệ thuật trình diễn, bao gồm: NHẠC GIAO HƯỞNG THÍNH PHÒNG – JAZZ –  ÂM NHẠC THẾ GIỚI – KỊCH NGHỆ – NHẠC POP – NHẠC INDIE/ROCK – NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG – VŨ ĐẠO. Với dự án này, SLP mang đến cho cộng đồng cơ hội “du ngoạn” thế giới nghệ thuật, tất cả những ai có yêu thích hoặc đam mê trình diễn nghệ thuật đều có thể đến tham dự cùng SLP để trải nghiệm và cảm nhận sự đa dạng cũng như vẻ đẹp của từng loại hình nghệ thuật một.