Thursday, March 28, 2024

Điểm mặt những bộ phim điện ảnh lấy đề tài Quái Thú “oanh tạc” phòng vé Hàn Quốc

The Host (2006)

Dù đã ra mắt cách đây hơn một thập kỷ, nhưng The Host (Quái Vật Sông Hàn) vẫn là niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc. Là bộ phim quái vật đầu tiên của xứ sở Kim Chi, bộ phim đã gây ra hàng loạt hiệu ứng và thu hút đông đảo khán giả đến các phòng chiếu ngay từ khi mới ra mắt.

Được sản xuất bởi đạo diễn lừng danh Bong Joon Ho cùng sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Song Kang Ho, Byun Hee Bong, Park Hae Il, Bae Doona và Go Ah Sung, Quái Vật Sông Hàn kể về cuộc chiến đấu của gia đình Hee Bong cùng những người hàng xóm chống lại một con quái vật ở bờ sông Hàn khi nó đã bắt mất cô cháu gái Hyun Seo của ông. Ông sẽ phải cùng gia đình làm sao để vừa chạy chốn cảnh sát vừa phải chiến đấu với con quái vật để cứu sống cô cháu gái thân yêu của mình.

Quái Vật Sông Hàn được đánh giá là thay đổi hoàn toàn ấn tượng của thế giới về điện ảnh Hàn Quốc, vốn nổi tiếng với những bộ phim về đề tài trinh thám, hành động hoặc tâm lý tình cảm. Không chỉ “bội thu” phòng vé khi trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại tại Hàn, tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho còn nhận được vô số lời khen ngợi từ các nhà phê bình nước ngoài có uy tín.

Train to Busan (2016)

Lấy cảm hứng từ đại dịch xác sống, Train To Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử) đã tạo ra nhiều “cú nổ” cực lớn ở phòng vé và nhanh chóng trở thành huyền thoại trong dòng phim điện ảnh kinh dị – thảm họa của điện ảnh Hàn Quốc. Ra măt hồi mùa hè 2016, Chuyến Tàu Sinh Tử của đạo diễn Yeon Sang-ho gây sốt tại quê hương và trở thành bộ phim ăn khách nhất năm với doanh thu lên tới hơn 85 triệu USD.

Chuyện phim lấy bối cảnh khi loài virus xác sống bùng phát tại Hàn Quốc buộc một nhóm người phải chiến đấu trên chuyến tàu tốc hành để chạy trốn dịch bệnh. Nhóm người bao gồm một người cha cùng con gái, hai vợ chồng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng và vài cô cậu học sinh cấp 3 phải chạy trốn dịch bệnh đang đe dọa sự sống của bất kỳ ai trên con tàu.

Bên cạnh việc tạo nên một bức tranh kinh dị đẫm máu, Chuyến Tàu Sinh Tử cũng là một câu chuyện đẹp tràn đầy tình người. Xem phim, khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đan xen những pha giật mình kinh hãi trước những màn tấn công khá rùng rợn của đám xác sống là sự đồng cảm với cảnh ngộ và số phận của con người bình dị trước thảm họa, và nỗi đau khi các nhân vật hy sinh để bảo vệ người thân của mình.

Sau thành công vang dội của phần 1, đạo diễn Yeon Sang Ho sẽ tiếp tục thực hiện phần 2 vào thời gian tới. Theo một số nguồn tin, hiện ông hoàn thành xong kịch bản cho phần tiếp theo của Chuyến Tàu Sinh Tử và phim có thể sẽ được khởi quay ngay trong nửa đầu năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, “bom tấn” xứ Hàn còn được các nhà làm phim Hollywood mua bản quyền làm lại phim. Được biết, nhà sản xuất cho phiên bản Mỹ sẽ là “ông hoàng phim kinh dị” James Wan và phần kịch bản sẽ do nhà văn Gary Dauberman – người vừa tạo ra sự thành công của The Nun thực hiện.

Okja (2017)

Do Netflix đầu tư sản xuất với kinh phí 50 triệu USD, Okja tiếp tục là tác phẩm đáng chú ý của “phù thủy làm phim” người Hàn Quốc Bong Joon Ho. Bộ phim có sự tham gia của dàn ngôi sao đến từ Hollywood như Tilda Swinton, Jake Gyllenhaal, Lily Collins và Paul Dano. Đặc biệt đây đánh dấu lần thứ hai Tilda Swinton hợp tác với Bong Joon Ho sau màn trình diễn quá xuất sắc của nữ diễn viên cá tính này trong Snowpiercer (2013).

Okja xoay quanh Mirando – tập đoàn đa quốc gia sở hữu tham vọng giải quyết vấn đề khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Mirando đã tạo ra hàng loạt những “siêu lợn” – một sinh vật lai giữa hà mã và lợn từ công nghệ biến đổi gen. Cô bé Mija (Ahn Seo Hyun) và người ông của mình (Hee Bong Hyun) là một trong những nông dân được giao nhiệm vụ nuôi giống heo đặc biệt này. 10 năm sau khi dự án bắt đầu, khi Mija và Okja – tên mà cô bé đặt cho chú heo của mình đã trở thành những người bạn không thể chia cách, Okja bị tập đoàn bắt về New York nhằm quảng cáo cho cuộc thí nghiệm. Cô bé Mija đành phải rời làng quê nhỏ bé ở Hàn Quốc tới Mỹ để cứu lấy người bạn của mình.

Trên tư cách một bộ phim hài-châm biếm, Okja chạm đến những vấn đề nóng đang được xã hội hiện đại quan tâm: sự khủng hoảng lương thực, nền công nghiệp chăn nuôi thiếu đạo đức, mối quan hệ giữa con người và động vật. Chỉ giống như một loài động vật lai tạo quá khổ, Okja rõ ràng không phải là một con quái vật có sức mạnh hủy diệt, song tình bạn giữa con “quái thú” này với cô bé Mija thực sự lay động được cảm xúc từ người xem.

Monstrum (2018)

Vẫn lấy đề tài sinh vật huyền bí, nhưng Monstrum lại không hề có một quái vật đáng yêu như trong Okja, cũng không có một hành trình giải cứu gay cấn nào. Tác phẩm của đạo diễn Huh Jong Ho dựa trên câu chuyện truyền thuyết vào năm 1527 khi vua Jung Jong phải rời khỏi hoàng cung để trốn khỏi một con quái vật đột nhiên xuất hiện tại Joseon.

Năm thứ 22 Hoàng đế Jung Jong trị vì, và bệnh dịch hạch đang phát tán tràn lan khắp toàn bộ kinh thành Joseon. Người dân đang rơi vào cảnh chết đói. Bầu không khí sợ hãi bao trùm khắp mọi nơi. Nỗi sợ hãi kinh hoàng đó ngày một gia tăng sau lời đồn về sự xuất hiện của một con quái vật gớm ghiếc được gọi là “Monstrum” đang ráo riết truy lùng và giết hại những người dân vô tội sống ở Đỉnh Inwangsan. Theo lời đồn đại đó, con quái vật sẽ xé xác bất cứ con mồi bất hạnh nào mà nó nhìn thấy trên đường.

Kết hợp cả hai chủ đề ăn khách nhất làng điện ảnh Hàn Quốc là cổ trang và quái vật, Săn Lùng Quái Thú hứa hẹn sẽ làm mãn nhãn người xem với tạo hình quái thú đầy rùng rợn, sở hữu sức mạnh diệt vong khủng khiếp, đồng thời truyền tải câu chuyện về những con người ở tầng lớp thấp nhất của xã hội đấu tranh bảo vệ cho công trình mang tính biểu tượng cao nhất của Triều đại Joseon: Hoàng Cung.